“Vệ sĩ mạng” – Nghề “hot” nhất trong kỉ nguyên CMCN 4.0
Cách mạng 4.0 đang mang lại những cơ hội khổng lồ và đồng thời cũng tạo ra thách thức vô cùng lớn. Nguy cơ mất an toàn thông tin vẫn đang hiện hữu khắp nơi khi mạng internet đã gần như phủ kín kết nối trên toàn cầu.
Nhu cầu an toàn thông tin cho cá nhân và Doanh nghiệp vẫn đang là mối bận tâm thường trực. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS. Nguyễn Hoàng Anh – Hiệu trưởng Trường An ninh mạng iSpace, trường có tuyển sinh nghề “Vệ sĩ mạng” đầu tiên tại Việt Nam.
PV: An ninh mạng hiện nay của chúng ta thế nào, trong bối cảnh mà cuộc CMCN 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay?
ThS. Nguyễn Hoàng Anh: Tại Việt Nam, tình hình an toàn, an ninh mạng trong năm 2018 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phát sinh thêm những xu hướng tấn công mới. Theo thống kê của Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, 95% các sự cố về an toàn thông tin bắt nguồn từ lỗi chủ quan của con người.
Vì vậy, ngoài việc nâng cao nhận thức cho người sử dụng, thì các doanh nghiệp, tổ chức… cần áp dụng chính sách bảo mật, ứng dụng công nghệ bảo mật, quy trình bảo mật.
Đặc biệt, người dùng Internet cần chú ý bảo vệ những thông tin trọng yếu, triển khai một kế hoạch sao lưu và khôi phục hữu hiệu, để bảo đảm an toàn tài sản web và thư điện tử cũng như bảo vệ thông tin của toàn bộ tổ chức và doanh nghiệp.
PV: Được xem là trường có nhiều chương trình đào tạo về CNTT, Quản trị mạng và Digital Maketing. Ông có thể cho biết nhu cầu tuyển dụng hiện nay của lĩnh vực này cũng như ngành nghề mới- “Vệ sĩ mạng”?
ThS. Nguyễn Hoàng Anh: Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam, hiện có trên 50% tổ chức, doanh nghiệp thiếu nhân sự về an toàn thông tin, 24% cơ quan và tổ chức phải thuê đơn vị bên ngoài bảo vệ an toàn thông tin.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy hiện nay nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) luôn rất cao, vào khoảng 250.000 lao động, nhu cầu nhân lực chuyên trách an ninh mạng cao gấp 3,5 lần so với các nhóm công việc còn lại của ngành này.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó mà chúng tôi đã triển khai chương trình “Tuyển sinh và đào tạo 200 vệ sĩ mạng” trong năm 2018. Số lượng 200 này để phục vụ nhu cầu tuyển dụng giai đoạn 2019 – 2021 cho nhóm doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường.
Theo nghiên cứu của công ty tuyển dụng Hays Greater China, mức lương của “vệ sĩ mạng” có thể tăng trung bình từ 25% đến 35% trong thời gian tới, cao hơn 5% so với các công việc khác trong cùng lĩnh vực công nghệ thông tin. Vì vậy, đây là một nghề rất triển vọng trong tương lai.
PV: Cụ thể sinh viên sẽ được học những gì để trở thành “Vệ sĩ mạng” tương lai?
ThS. Nguyễn Hoàng Anh: Người học sẽ được trực tiếp đối mặt với các kịch bản tấn công phòng thủ mạng như những gì đang diễn ra trong thực tế với nhiều cấp độ khó khác nhau; được huấn luyện các kỹ năng và quy trình xử lý, ứng phó với các sự cố an ninh mạng dồn dập, bất ngờ.
Họ sẽ được huấn luyện những kỹ năng đó bằng việc học thực hành hoàn toàn trên hệ thống Thao trường mạng (Cyber Range) trường iSpace.
Thao trường mạng (CYBER RANGE) là một tổ hợp hệ thống phần cứng và phần mềm tích hợp cho phép mô phỏng không gian mạng theo thời gian thực và tức thời, với bất kỳ hệ thống mạng/ phòng vệ mạng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào, nhằm đánh giá và nghiên cứu những kỹ thuật tấn công/ phòng vệ mạng.
Trường cũng sẽ huấn luyện những “Chiến binh mạng” thiên về kỹ thuật tấn công, lẫn kỹ năng phòng thủ. Thử nghiệm vũ khí mới và diễn tập chiến tranh mạng. Đây là những kỹ năng xử lý vấn đề mạng mới nhất hiện nay.
PV: Vậy công việc của “Vệ sĩ mạng” trong kỉ nguyên CMCN 4.0 sẽ là gì?
ThS. Nguyễn Hoàng Anh: Công việc của người làm Vệ sĩ mạng được chia ra 2 đối tượng phục vụ: “Vệ sĩ mạng” phục vụ cá nhân, nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ tài khoản cá nhân trên không gian mạng (Facebook, Viber, Zalo, Twitter, Instagram, Bank, Ví điện tử, Cloud, Email, Blog, giải trí và các loại tài khoản khác).
Họ kiểm tra bảo mật, đảm bảo kết nối an toàn cho tất cả các loại thiết bị kết nối vào mạng internet (Modem wifi, Camera, Máy tính, Laptop, Điện thoại, USB, Máy chụp ảnh,…). Rà soát các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn thông tin cho cá nhân trên không gian mạng. Phối hợp gỡ bỏ những thông tin, hình ảnh làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân trên không gian mạng…
“Vệ sĩ mạng” phục vụ các tổ chức, doanh nghiệp, nhiệm vụ của họ là rà soát và khắc phục tất cả các lổ hỗng/ nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn thông tin trong hạ tầng công nghệ thông tin của tổ chức. Rà soát và xây dựng hoàn thiện các quy định đối với người dùng đầu cuối khi sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin của tổ chức.
Họ sử dụng các giải pháp bảo mật để phát hiện, phân tích, và tư vấn về sự cố mạng cho tổ chức. Bảo vệ được tính toàn vẹn cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thông tin và dữ liệu của tổ chức. Phối hợp các đơn vị có liên quan để xử lý khủng hoảng mất an toàn thông tin khi xảy ra sự cố để bảo vệ tổ chức và sẵn sàng bảo vệ đất nước khi có yêu cầu.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tag:an toan thong tin, attt, cmcn, ispace, ve si mang