Làm thế nào để giữ cho con bạn an toàn khi trực tuyến – Phần 2: Sáu mẹo giúp teen an toàn khi sử dụng internet
Giữ an toàn cho con trong thế giới thực đã đủ khó, huống chi trong thế giới ảo của mạng xã hội, nhắn tin, trò chơi trực tuyến và những kẻ săn mồi trực tuyến. Nhưng bạn không cần phải chờ đợi và hy vọng vào điều tốt nhất — bạn có thể hành động để giúp con bạn an toàn khi chúng dùng internet. Hãy cùng tìm hiểu về các mối đe dọa trực tuyến đối với lứa tuổi teen và ứng dụng các lời khuyên để tăng cường an toàn trực tuyến cho cả gia đình.
Khi đã hiểu rõ những nguy cơ trên internet, bạn cần hành động để giảm thiểu rủi ro cho các bạn teen. Dưới đây là một số gợi ý.
1/ Nói về nó
Giao tiếp là chìa khóa để giữ cho con bạn an toàn khi online và cả trong thế giới thực. Cho dù con bạn đang ở độ tuổi thiếu niên hay teen thì không bao giờ là quá sớm (hoặc quá muộn) để bạn bắt đầu nói với con về việc dùng internet an toàn.
Hãy cho con bạn biết các mối đe dọa trực tuyến mà bạn lo ngại và cùng con thảo luận về cách tránh xa chúng. Với việc bắt đầu trao đổi với con về lướt net an toàn, bạn đã mở đường cho chúng đến với bạn khi có điều gì đó kỳ lạ hoặc đáng sợ xảy ra.
2/ Thiết lập các quy tắc cơ bản
Phác thảo rõ ràng những mong đợi của bạn đối với hành vi trực tuyến và xác định các quy tắc an toàn trên internet sẽ giúp bảo vệ con bạn. Bao gồm như chia sẻ tài khoản email, tên người dùng và mật khẩu trực tuyến. Xác định các trang web và ứng dụng mạng xã hội an toàn và không an toàn. Dưới đây là các phương pháp sử dụng internet an toàn.
- Không chia sẻ thông tin cá nhân trực tuyến, bao gồm tên đầy đủ, địa chỉ, số điện thoại và số Căn cước công dân của bạn.
- Không sử dụng mạng Wi-Fi công cộng.
- Không cho bất kỳ ai khác sử dụng điện thoại, máy tính xách tay hoặc máy tính bảng của bạn.
- Không chấp nhận lời mời kết bạn từ người lạ.
- Không mở email từ những người gửi không xác định.
- Không nhấp vào liên kết hoặc tải xuống bất kỳ thứ gì từ những người gửi không xác định
- Không chia sẻ ảnh trực tuyến hoặc qua tin nhắn văn bản hoặc ứng dụng chat (như Zalo, Messenger, Viber, Telegram, Whatsapp…)
3/ Giữ mọi thứ ở trong sự kiểm soát
Đặt máy tính, máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại ở vị trí trung tâm trong nhà để bạn có thể theo dõi hoạt động và thực thi các ranh giới khác.
Đặt giới hạn cho thời gian sử dụng thiết bị, bao gồm cả thời gian dành cho điện thoại thông minh, chơi trò chơi trực tuyến hoặc bất kỳ hoạt động dựa trên web nào khác mà con bạn tham gia. Hướng dẫn chúng tránh xa những người lạ trên internet — cho dù đó là email từ một nguồn không xác định, một liên kết đáng ngờ hay một lời mời kết bạn mà chúng không nhận ra.
4/ Thiết lập các biện pháp bảo vệ
Sử dụng bộ lọc kiểm soát của phụ huynh để giúp hạn chế việc con bạn tiếp xúc với nội dung không phù hợp. Kiểm soát của phụ huynh có thể cung cấp những thông tin có giá trị về các hoạt động trực tuyến của con bạn và cảnh báo bạn về những dấu hiệu tiềm ẩn.
Nếu bạn lo lắng về việc vi phạm quyền riêng tư của con bạn, hãy tìm ứng dụng kiểm soát của phụ huynh được thiết kế để đề phòng nguy hiểm thay vì theo dõi con bạn. Có rất nhiều ứng dụng cho phép cha mẹ biết về những rủi ro tiềm ẩn mà không tiết lộ chi tiết có thể khiến con bạn cảm thấy không được tôn trọng và bị xâm phạm.
Và luôn đảm bảo rằng bạn đã thiết lập cài đặt quyền riêng tư trên tất cả các thiết bị, ứng dụng và chương trình mà con bạn sử dụng. Đảm bảo rằng con biết cách bảo mật điện thoại thông minh của mình khỏi hacker và các mối đe dọa trực tuyến khác.
5/ Giữ kết nối trực tuyến
Bạn biết rõ về tất cả hồ sơ mạng xã hội của con và nhờ con “kết bạn” với bạn. Đây có thể không chỉ là một biện pháp phòng ngừa an toàn — nó cũng có thể là một cách thú vị để giữ kết nối với con bạn và xây dựng lòng tin. Nhưng lợi ích chính của việc kết bạn với con là khả năng nhận ra mối nguy hiểm tiềm ẩn và xử lý nó ngay từ đầu.
Điều kiện tiên quyết là bạn phải là người bạn đầu tiên mà con bạn thêm vào nếu chúng muốn tải xuống ứng dụng mạng xã hội mới. Điều này không chỉ cung cấp cho bạn sự hiểu biết sâu sắc về những gì con đang làm trực tuyến mà còn giúp bạn tìm hiểu về ứng dụng và các mối nguy hiểm tiềm ẩn của nó.
6/ Tìm kiếm dấu hiệu của rắc rối
Bất chấp mọi nỗ lực để bảo vệ con bạn khi trực tuyến, đôi khi những thứ xấu vẫn lọt qua. Cho dù bạn cho rằng hành vi sử dụng internet của teen an toàn đến mức nào, bạn luôn nên để ý các dấu hiệu cho thấy mọi thứ có thể không như bạn nghĩ. Con bạn có thể đang gặp rắc rối nếu có những dấu hiệu dưới đây.
- Có hành vi bí mật như ẩn màn hình khi bạn vào phòng hoặc cố gắng truy cập mạng ngoài sự giám sát
- Tạo mới tài khoản email, hồ sơ mạng xã hội, v.v…
- Tự làm hại bản thân
- Trở nên ủ rũ hoặc thu mình
- Mất hứng thú với bạn bè hoặc hoạt động
- Thể hiện các phản ứng cảm xúc mạnh mẽ sau khi online./.
Ant dịch từ safewise.com