Các mẹo đơn giản cho cha mẹ để giúp con học online ở nhà
CÙNG CON HỌC VÀ GIỮ AN TOÀN TRÊN MẠNG
Mùa tựu trường năm nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể khiến các bậc cha mẹ cảm thấy băn khoăn và lo lắng. Những buổi học đầu tiên đã được thực hiện qua màn hình trực tuyến ở nhiều địa phương suốt một tháng qua. Vậy con của bạn có bắt nhịp với năm học mới và thích nghi với việc học trực tuyến ở nhà không? Hãy cùng UNICEF hỗ trợ các con và xây dựng môi trường học tập trực tuyến hiệu quả cho con bằng các mẹo sau đây nhé!
Cám ơn các cha mẹ rất nhiều.
1. TẠO MÔI TRƯỜNG HỌC THOẢI MÁI & AN TOÀN
✔ Đối với trẻ dưới 5 tuổi: Cha mẹ hãy tạo ra môi trường học mà chơi, chơi mà học
Tạo môi trường học an toàn cho trẻ nhỏ
Đậy nắp ổ điện, dùng các vật dụng nội thất che ổ điện
Bịt các góc cạnh bàn ghế bằng các miếng mút êm
Tạo môi trường học hấp dẫn trẻ, từ sách và đồ chơi, đồ dùng sẵn có trong nhà, như vật dụng nấu bếp (chơi đồ hàng), các hộp rỗng, chai lọ nhựa (chơi xếp hình, xếp chồng lên nhau) quần áo/ tất cũ (chơi đóng vai, đóng kịch, làm rối tay), thùng các-tông (làm nhà, làm ô tô/thuyền/tàu hỏa)
✔️ Đối với trẻ lứa tuổi tiểu học trở lên: Cha mẹ hãy sắp xếp cho con 1 góc học tập riêng tư, tập trung, đồng thời khuyến khích trẻ dọn dẹp và trang trí môi trường học tập.
Đảm bảo độ cao bàn ghế theo tiêu chuẩn, ngồi học đúng tư thế để tránh bị vẹo cột sống, đau mỏi vai gáy và cận thị
Đảm bảo an toàn điện:
Ổ điện đảm bảo chất lượng; dây điện không bị hở
Không để thiết bị và dây điện trên giường ngủ, những chỗ dễ cháy nổ vv.
Không để nước gần ổ cắm điện và thiết bị điện tử.
Ánh sáng
Ánh sáng phải đủ độ và thuận chiều, chiếu từ bên trái sang.
Chỉnh cường độ ánh sáng màn hình thiết bị điện tử cho phù hợp
Bật chế độ lọc ánh sáng xanh trên thiết bị điện tử
Kiểm tra kết nối mạng và các thiết bị trước giờ học để tiết học không bị gián đoạn
Đảm bảo kết nối mạng cho tiết học online
Kiểm tra camera và mic (microphone) trên thiết bị điện tử
Cài đặt, tải các nền tảng, công cụ được sử dụng cho việc học tập qua mạng mà nhà trường yêu cầu như Zoom, Google Meet.
2. TẠO THÓI QUEN HỌC VÀ GIỮ AN TOÀN TRÊN MẠNG
✔️ Đối với trẻ dưới 5 tuổi:
Trẻ học được nhiều nhất khi chơi một cách chủ động với những người khác hoặc với các đồ vật. Trẻ sẽ không học được nhiều khi xem ti vi, sử dụng máy tính, chơi với điện thoại và chơi trò chơi điện tử.
Do vậy, bạn không nên cho trẻ dưới 2 tuổi xem ti vi hoặc ngồi trước màn hình các thiết bị điện tử.
Với trẻ từ 2 đến 5 tuổi, bạn nên giới hạn thời gian ngồi trước màn hình của trẻ không quá 1 giờ/ 1 ngày và cần quản lý được nội dung mà trẻ xem có mang tính học tập và giải trí phù hợp với độ tuổi không.
✔ Đối với trẻ lứa tuổi tuổi học:
Cha mẹ hãy cùng trẻ lên kế hoạch cho việc học trực tuyến vào một thời gian cụ thể trong ngày.
Tránh những yếu tố có thể khiến trẻ xao nhãng như TV, tiếng nhạc lớn và đồ chơi trong thời gian học.
Cân đối thời gian chơi và thời gian đọc sách. Tận dụng các hoạt động hàng ngày để giúp trẻ học tập. Hãy tận dụng một cách linh hoạt!
✔ Đối với trẻ lứa tuổi trung học:
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách quản lý thời gian, lên thời gian biểu, kế hoạch học tập hiệu quả
Dành thời gian cho việc chơi và đọc sách, vận động, các hoạt động giải trí xen kẽ để giải tỏa căng thẳng ngoài giờ học
Cùng con đưa ra những quy định về thời gian, mục đích sử dụng các thiết bị điện tử.
✔️ Tạo thói quen sử dụng mạng an toàn khi trẻ học trực tuyến:
Nếu trẻ sử dụng chung máy tính của phụ huynh, nên cài đặt một tài khoản riêng cho trẻ và sử dụng các công cụ quản lý tài khoản con như khóa truy cập tới 1 số trang web, để đảm bảo an toàn mạng cho con cũng như tránh việc con vô tình xóa hoặc làm rò rỉ tài liệu, thông tin của phụ huynh.
Kiểm tra lịch sử truy cập vào cuối ngày học để chắc chắn trẻ không vào đường link hay trang web không an toàn.
Để biết thêm các mẹo công nghệ, quý vị và các bạn hãy nghe chuyên mục Phát thanh tại đây, với nội dung “Cùng con giữ an toàn trên mạng”, đặc biệt áp dụng cho cha mẹ có con ở lứa tuổi “teen” nhé!
3. KHUYẾN KHÍCH CON GIAO TIẾP VỚI THẦY, CÔ & BẠN BÈ ĐÚNG CÁCH
✔️ Hướng dẫn con sử dụng các nền tảng, công cụ học tập qua mạng
Cách bật, tắt camera và mic (microphone)
Cách điều chỉnh bố cục khung hình, thay hình nền, làm mờ nền
Cách sử dụng tính năng chat, giơ tay, bật mic trao đổi khi được phép, tắt mic để chống gây ồn. Không nói chuyện riêng hoặc nói leo trong lớp.
✔️ Khuyến khích trẻ gọi điện giao tiếp với bạn bè ngoài giờ lên lớp
✔️ Hướng dẫn và làm gương trong các ứng xử và giao tiếp trên mạng cho trẻ
4. DÀNH THỜI GIAN LẮNG NGHE VÀ VUI CHƠI CÙNG CON
✔️ Đối với trẻ dưới 5 tuổi: Cha mẹ hãy dành thời gian cùng con thực hiện các hoạt động vui chơi giải trí như trò chơi vận động, thử thách trí nhớ, kể chuyện, hát
✔ Đối với trẻ lớn hơn: Cha mẹ hãy cùng con khám phá những ứng dụng, trò chơi phù hợp với từng độ tuổi trên môi trường mạng, kết hợp với các trò chơi vận động, trí óc.
✔ Nhìn nhận những lo lắng của trẻ một cách nghiêm túc và nói chuyện với trẻ về những vấn đề trẻ gặp phải. Chấp nhận những thay đổi mà trẻ có thể trải qua cũng như khuyến khích trẻ đặt câu hỏi và bày tỏ cảm xúc với cha mẹ.
5. THƯỜNG XUYÊN LIÊN LẠC VỚI GIÁO VIÊN
✔️ Giữ liên lạc với giáo viên và cập nhật thường xuyên thông tin từ trường học
✔ Cùng thảo luận và giải quyết với giáo viên bất kỳ khó khăn nào mà trẻ gặp phải ví dụ như bài tập ở trường, khó khăn trong việc sử dụng công nghệ và áp lực học tập.
✔ Tham gia nhóm phụ huynh để hỗ trợ lẫn nhau trong việc học ở nhà của các con.
Nguồn: UNICEF
Tin, bài liên quan:
- Cùng con vào thời đại số: Kế hoạch số cho gia đình (chuỗi bài trên TuoiTreOnline)
- 5 bí quyết giúp phụ huynh đồng hành cùng con trên mạng (tài liệu của Google)