Cùng con vào thời đại số: Kế hoạch số cho gia đình
TTO – Thử gõ ‘Family Media Plan’ (FMP – tạm dịch là kế hoạch số cho gia đình), ngay lập tức Google sẽ cho ra hàng chục ngàn kết quả tìm kiếm. FMP đang là mối quan tâm của cha mẹ và là một đòi hỏi bức thiết đặt ra trong thời đại số.
Kế hoạch số cho gia đình là các quy tắc mà gia đình đề ra đối với hành vi kỹ thuật số của các thành viên trong nhà. Kế hoạch số của mỗi gia đình tùy thuộc vào các giá trị, phong cách nuôi dạy con và hoàn cảnh gia đình. Bản kế hoạch cần đơn giản, rõ ràng và có thể thực hiện được.
Cha mẹ đang tụt hậu
Điện thoại thông minh đã trở thành thiết bị hiện diện rõ ràng và không thể thiếu được trong đời sống gia đình, làm thay đổi cách thức cha mẹ và con cái giao tiếp với nhau. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng trở nên thách thức với sự hiện diện của công nghệ.
Cha mẹ dần quen với việc từ nuôi dạy con truyền thống cho đến việc dạy con trong thời đại số. Cha mẹ dần học cách điều chỉnh các nguyên tắc, kỹ năng, trang bị nhận thức và cả phòng ngừa rủi ro về công nghệ cho trẻ ở từng lứa tuổi khác nhau.
Phong cách nuôi dạy con kỹ thuật số thường bị ảnh hưởng bởi các đặc điểm cá nhân của cha mẹ như giới tính, niềm tin và trải nghiệm kỹ thuật số trước đây của họ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người mẹ kiểm soát nhiều hơn nhưng cũng gần gũi và dễ thỏa hiệp hơn người cha.
Thực tế, hướng dẫn của cha mẹ và trải nghiệm với công nghệ kỹ thuật số là những biến số quan trọng tác động tới việc hình thành kỹ năng kỹ thuật số của trẻ.
Các bậc cha mẹ được trang bị những kỹ năng và kiến thức khác nhau để đối mặt với sự phức tạp ngày càng tăng của thế giới kỹ thuật số. Khoảng cách thế hệ kỹ thuật số đang xảy ra ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở các gia đình nông thôn, cha mẹ đang tụt hậu trong việc áp dụng và sử dụng công nghệ.
Bằng chứng là đa số trẻ em tiếp cận với các “giang hồ mạng” và đối mặt với nguy cơ bắt nạt trên mạng là trẻ em đang sinh sống ở vùng nông thôn.
Cuộc sống thời giãn cách
Cuộc sống số trong mỗi gia đình còn biến đổi và phức tạp nhiều hơn nữa trong thời kỳ COVID, đặc biệt là khi phải giãn cách xã hội.
Đầu năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu chung (JRC) thuộc Ủy ban châu Âu tiến hành khảo sát ở 15 quốc gia châu Âu, dựa trên kết quả tự báo cáo của trẻ em trong độ tuổi từ 10-18, cũng như của cha mẹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy một cái nhìn khác biệt về trải nghiệm của trẻ em và cha mẹ trong đại dịch COVID-19.
Cụ thể, gần một nửa số phụ huynh được khảo sát cho biết họ lo lắng nhiều hơn về những rủi ro khi con cái sử dụng Internet trong thời kỳ giãn cách xã hội. Những đứa trẻ được khảo sát nói chúng dành trung bình sáu tiếng rưỡi mỗi ngày để vào mạng, hơn một nửa trong số đó dành cho các hoạt động học tập.
48% trẻ em cảm thấy dành quá nhiều thời gian trực tuyến trong thời gian đại dịch. 13% trẻ em thừa nhận mình thường xuyên bị đe dọa trên mạng hơn. 29% đã sử dụng dữ liệu cá nhân trực tuyến theo cách mà họ không thích, đó là mật khẩu bị sử dụng sai mục đích hoặc thông tin cá nhân bị lợi dụng cho các mục đích gây tổn hại.
Nhiều cha mẹ đặt câu hỏi “Chúng ta đã học được gì về mối quan hệ của gia đình mình với công nghệ?”. Thực tế đại dịch COVID-19 đã mang đến cho các gia đình cơ hội để thử nghiệm những gì hiệu quả và không hiệu quả khi sử dụng công nghệ. Nhiều gia đình đã thiết lập kế hoạch số của gia đình, lên lịch cho “thời gian số” và các hoạt động ngoài trời trong ngày.
Martine Oglethorpe, một chuyên gia về làm cha mẹ hiện đại, từng nói một câu đại ý: trẻ con chỉ biết đến một thế giới, không phải là thế giới số hay thế giới thực mà là “thế giới”.
Đúng vậy, thế giới của con trẻ ngày nay là những gì trẻ tương tác trực tiếp và cả những gì đang diễn ra xung quanh chúng thông qua các thiết bị số. Và do vậy, hành trang cho con vào thế giới của chúng nhất thiết không thể không có những trải nghiệm số, trong đó tiên phong phải là cuộc sống số của mỗi gia đình.
Kiểm soát thiết bị, nội dung số
Khi phải cho con chọn màn hình thay vì các hoạt động ngoài trời, cha mẹ phải kiểm soát thời gian sử dụng cũng như quan tâm tới chất lượng các thiết bị và nội dung số.
Các chương trình chọn lọc, các trò chơi mang tính giáo dục sẽ giúp con phát triển thông qua tương tác xã hội, khuyến khích tư duy phản biện, thúc đẩy sự đồng cảm và thậm chí thúc đẩy thảo luận