“Con hãy chat bằng ngôn từ tôn trọng mà con muốn nhận được”
TTCT – Có con tuổi teen đã khiến các bậc cha mẹ đau đầu vất vả, có con tuổi teen trong thời đại công nghệ này còn mệt đầu hơn nhiều.
Spring Yan là học sinh cấp III tại Trường phổ thông Beaver County Day School, bang Massachusetts (Mỹ). Tháng 2-2021, em viết một nghiên cứu (đăng trên thư viện trực tuyến Wiley) về việc sử dụng công nghệ của các bạn tuổi teen trong COVID-19 qua chính trải nghiệm cá nhân của mình.
Những đúc kết của Spring khá kỹ càng; em quan sát và mô tả rõ việc sử dụng công nghệ cho việc học (lên lớp, nộp bài, làm việc nhóm…) và những hoạt động ngoài giờ học (như nghe nhạc, tập thể thao, tương tác với bạn bè…). Ngoài việc phải thích nghi nhiều hơn về kỹ thuật, tinh thần, phương pháp do ảnh hưởng của COVID-19, em nói rằng mình không gặp thách thức nào về cảm xúc, xã hội hay căng thẳng do có sự hỗ trợ tốt từ nhà trường, gia đình và bạn bè. Nhưng không phải học sinh trung học nào cũng có trải nghiệm tích cực về công nghệ như Spring.
Cái chết của Tyler và cuộc chiến chống bắt nạt trên mạng
Có con tuổi teen đã khiến các bậc cha mẹ đau đầu vất vả, có con tuổi teen trong thời đại công nghệ này còn mệt đầu hơn nhiều. Tất cả chúng ta đều đã biết tới những ảnh hưởng tiêu cực từ các thiết bị điện tử, phần mềm, ứng dụng, mạng xã hội… Đại dịch COVID-19 đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến, với không ít người, đó còn là kênh tương tác xã hội duy nhất, dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực từ công nghệ cũng trầm trọng hơn.
Năm học 2020-2021, trong một khối lớp tại học khu Gwinnett nơi tôi đang dạy ở bang Georgia xảy ra một sự vụ. Một bạn nhỏ giả dạng tên của bạn mình để viết những nhận xét bằng ngôn ngữ thóa mạ, chửi bới trong 1 video Loom môn khoa học xã hội (video này đã được thu trước và upload lên nền tảng online eClass của cả khối). Cho đến lúc đó, thầy cô mới nhận ra rằng hóa ra các học trò có thể đăng nhập với bất cứ tên nào và viết comment nếu chủ nhân video không tắt chế độ bình luận.
Sự nặc danh ấy và những dễ dãi của việc dùng công nghệ thông tin một cách sai trái gây ra một trong những vấn nạn khét tiếng: nạn bắt nạt học đường (bullying) với vô số trường hợp thậm chí đe dọa đến tính mạng trẻ. Ngay từ năm 2010 là vụ việc Tyler Clementi, 18 tuổi, sinh viên Đại học Rutgers, đã tự tử sau khi video tiết lộ cậu là người đồng tính lan truyền rộng rãi trên Twitter.
Từ đó đến nay, những nạn nhân của nạn bắt nạt trên mạng kiểu này là vô số, với những vụ tự tử của các nạn nhân khác vì không chịu nổi áp lực, nhiều em gặp vấn đề nghiêm trọng về tâm lý và không thể trưởng thành một cách ổn thỏa. Ở Mỹ, năm 2019, thống kê của Trung tâm Quốc gia về thống kê giáo dục cho thấy khoảng 16% học sinh trung học phổ thông (lớp 9-12) là nạn nhân của bắt nạt trên mạng, tương ứng với số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) chỉ ra rằng có 15,7% học sinh trung học phổ thông bị bắt nạt qua mạng. Hằng ngày có khoảng 160.000 học sinh ở nhà không đến trường vì sợ bị bắt nạt.
Những nỗ lực của pháp luật và nhà trường
10 năm sau cái chết của Tyler Clementi, năm 2000 Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Bảo vệ trẻ em trên Internet (Children’s Internet Protection Act, CIPA). Năm 2012, Ravi – kẻ đã bắt nạt Tyler – bị xử phạt hình sự với 30 ngày tù, 3 năm quản thúc, 300 giờ lao động công ích và nộp 100.000 USD tiền phạt.
Theo số liệu của Tổ chức Cyberbullying, hiện ở Mỹ có 46/50 tiểu bang có quy định xử bắt nạt trên mạng theo luật hình sự. Cả 50/50 tiểu bang đều yêu cầu các trường có những luật và quy định rõ rệt về xử lý bắt nạt trên mạng. Tại bang Georgia nơi tôi sống, bắt nạt trên mạng có luật xử lý hình sự và được quy định rõ ràng trong chính sách của các trường học toàn tiểu bang. Trong cuốn Sổ tay học sinh của khối THCS & THPT của học khu Gwinnett của tôi, bắt nạt qua mạng thuộc mức độ vi phạm cấp độ 2, bị buộc nghỉ học từ 4-9 ngày.
Quay trở lại vụ việc xảy ra với các học sinh đã giả dạng để viết bình luận thóa mạ, ngay sau đó toàn trường đã triển khai lập tức các biện pháp ngăn chặn những hành vi tương tự. Chúng tôi giới thiệu những quy tắc an toàn trên mạng bằng hình ảnh sống động và dễ nhớ, các trường trong học khu lập kho tài liệu, bài giảng về các chủ đề khác nhau liên quan đến giáo dục công dân thời đại số [digital citizenship]: từ kỹ năng đánh máy đến ứng xử có trách nhiệm trên mạng, từ tra cứu thông tin an toàn hiệu quả đến ứng xử khi bị bắt nạt trên mạng…
Những thông tin về công dân kỹ thuật số cũng được cập nhật thường xuyên trên bản tin tuần của mỗi trường lớp. Học khu cũng xây dựng kho dữ liệu khổng lồ với các sách bách khoa toàn thư và thư viện điện tử. Khi cung cấp các trang web hay công cụ tìm kiếm thông tin, học khu đều giới hạn quyền truy cập và chỉ cho các em biết những danh sách an toàn như Kiddle, Biographies, Scholastic, Britannica, ERIC, Facts4me, PebbleGo, PowerKnowledge… Chúng tôi trò chuyện với các em về bắt nạt trên mạng, tổ chức kỷ niệm ngày Internet an toàn (Safer Internet Day) vào tháng 2 hằng năm. Và học trò của tôi có thể tìm được sự hỗ trợ từ rất nhiều tổ chức chuyên về phòng ngừa, ngăn chặn bắt nạt trên mạng Stopbullying.gov.
Discord là nền tảng trò chuyện phổ biến nhất trong các bạn tuổi teen ở Mỹ. Tôi cũng sử dụng Discord để trao đổi, trò chuyện với con trai tuổi teen của mình. Khi tình cờ mở Discord của con trên máy tính (do chúng tôi dùng chung một máy ở nhà), tôi choáng vì đọc ngôn ngữ tuổi teen trong ấy, với vô số từ viết tắt, ký tự và biểu tượng. Con trai tôi dù chưa gặp điều gì xấu khi cháu online và chat chit nhưng theo cháu, đa số các bạn nữ gặp chuyện tiêu cực nhiều hơn như bị lập group nói xấu hay bị trêu chọc, cợt nhả. Các bạn nam tuổi teen thường va phải chuyện tiêu cực liên quan việc trao đổi qua lại trong lúc chơi video game.
Với mục tiêu dạy cho các học sinh từ nhỏ một nguyên tắc quan trọng: Con hãy đối xử với người khác theo cách con muốn mình được đối xử như vậy, chúng tôi dùng mọi phương tiện để dạy và nhắc nhở các em qua nhiều hình thức: nội quy của lớp, qua môn giáo dục nhân cách, qua môn đọc hoặc giờ đọc truyện, qua các hoạt động tập thể của lớp, qua tư vấn học đường và các tiết học, hoạt động liên quan đến giáo dục cảm xúc xã hội. Tất cả đều quan trọng.
(*) Tác giả là giáo viên lâu năm tại học khu Gwinnett, tiểu bang Georgia, Med – thạc sĩ giáo dục, chuyên ngành tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai/ESL. Bài viết gửi từ Atlanta, Mỹ.