Lộ thông tin cá nhân hoặc các nội dung nhạy cảm đang là nỗi ám ảnh mỗi khi phải đem thiết bị điện tử đi sửa chữa, bảo hành. Mới đây, một khách hàng nữ đã tố cáo nhân viên hệ thống FPT Shop tự ý can thiệp vào ứng dụng cài trên máy để tìm kiếm nội dung riêng tư một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo người dùng về việc tự bảo vệ dữ liệu của mình trước khi trao máy cá nhân vào tay người khác.

Theo các chuyên gia công nghệ, việc đầu tiên và quan trọng nhất phải làm trước khi đưa máy cho người khác sửa chữa hoặc sử dụng là sao lưu toàn bộ thông tin hiện có trên thiết bị, sau đó nếu được hãy xóa toàn bộ dữ liệu trên máy để đảm bảo an toàn cho các thông tin quan trọng. Việc sao lưu cũng nên được thực hiện thường xuyên, mang tính định kỳ để đề phòng các sự cố, hỏng hóc thiết bị bất ngờ xảy ra.

Nếu không xóa dữ liệu trong máy, người dùng cần thiết lập các lớp bảo vệ cho ứng dụng quan trọng như nhắn tin, các dịch vụ OTT (phần mềm chat dùng kết nối internet), mạng xã hội, kho thư viện hình ảnh. Đây thường là nơi lưu trữ nội dung riêng tư, có phần nhạy cảm và không nên để người khác tiếp cận, phát tán. Một số nhà sản xuất trang bị sẵn tính năng bảo mật và thiết lập mã khóa riêng dành cho ứng dụng quan trọng, nhưng nếu máy của bạn không có sẵn vẫn có thể tìm và tải chương trình từ các bên thứ 3 thông qua gian phần mềm chính thức cho từng nền tảng.

Sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây. Người dùng có thể thiết lập các dịch vụ như Google Drive, Dropbox hoặc iCloud để sao lưu dữ liệu tự động. Các dữ liệu sẽ bị xóa nếu gỡ ứng dụng hoặc đăng xuất tài khoản khỏi laptop. Tuy nhiên đa số dịch vụ đám mây có dung lượng lưu trữ hạn chế ở gói miễn phí, bạn nên cân nhắc mua dung lượng để có không gian lưu trữ lớn hơn. Ảnh: iMore.
Chuyển dữ liệu sang ổ cứng ngoài. Trước khi mang laptop đến cửa hàng, người dùng nên chuyển dữ liệu trên thiết bị sang ổ cứng hoặc máy tính khác. Ngoài khả năng bị kẻ xấu đánh cắp dữ liệu, một số trường hợp xảy ra sự cố, cài lại hệ điều hành khi sửa chữa có thể khiến thông tin và phần mềm trong máy bị xóa, rất khó khôi phục. Ảnh: The Guardian.
Dùng phần mềm mã hóa dữ liệu. Giải pháp xóa file hoặc định dạng (format) ổ cứng không có hiệu quả cao bởi kẻ xấu vẫn có thể dùng phần mềm khôi phục. Nếu không thể sao lưu dữ liệu sang thiết bị khác, người dùng có thể chuyển chúng vào phân vùng hoặc thư mục riêng, sau đó dùng phần mềm mã hóa, cài mật khẩu để chặn quyền truy cập. Ảnh: G2.
Người dùng laptop Windows phiên bản Pro có thể mã hóa dữ liệu bằng công cụ mặc định có tên BitLocker. Trên macOS, vào System Preferences > Security & Privacy > FileVault để kích hoạt tính năng mã hóa ổ đĩa. Người dùng cũng có thể cài các phần mềm mã hóa bên thứ ba như VeraCrypt. Sau khi mã hóa, cần lưu lại mật khẩu hoặc ổ USB chứa khóa giải mã để sử dụng khi cần thiết. Ảnh: iMore.
Không cung cấp mật khẩu đăng nhập máy. Trừ khi gặp sự cố phần mềm cần kiểm tra, người dùng không nên cung cấp mật khẩu đăng nhập laptop cho kỹ thuật viên. Dù cửa hàng sửa chữa lớn và uy tín, vẫn có khả năng nhân viên có ý đồ xấu. Với một số dịch vụ như thay pin, màn hình, quạt hay bàn phím, người dùng không cần cung cấp mật khẩu cho kỹ thuật viên bởi công việc không cần truy cập vào phần mềm. Ảnh: AppleToolBox.
Đăng xuất mọi tài khoản cá nhân. Trước khi mang laptop ra cửa hàng, người dùng cần đăng xuất mọi tài khoản chứa dữ liệu như OneDrive, Dropbox, các mạng xã hội như Facebook hay Instagram. Việc này đảm bảo các tài khoản không bị lợi dụng cho mục đích xấu. Ngoài ra, có thể xóa dữ liệu các trình duyệt để thông tin nhạy cảm không bị lộ.
Gỡ bỏ phần mềm chứa dữ liệu nhạy cảm. Một số phần mềm ghi chú, quản lý mật khẩu trong máy có thể chứa các thông tin quan trọng. Người dùng cần đăng xuất tài khoản, gỡ ứng dụng trước khi giao laptop cho kỹ thuật viên để đảm bảo thông tin cá nhân được an toàn. Ảnh: LastPass.
Tạo tài khoản khách (guest). Nếu sự cố cần kiểm tra phần mềm nhưng không đòi hỏi truy cập sâu vào hệ thống, người dùng có thể tạo và đăng nhập tài khoản khách (guest) trước khi giao máy cho kỹ thuật viên. Đối với tài khoản chính, hãy cài mật khẩu hoặc bảo mật vân tay để đảm bảo không ai có thể truy cập. Ảnh: AvoidErrors.
Một số lỗi có thể sửa tại nhà. Một số lỗi cơ bản như treo ứng dụng, không phát âm thanh hay các sự cố liên quan đến phần mềm có thể sửa tại nhà thông qua hướng dẫn trên Internet hoặc giúp đỡ từ bạn bè. Người dùng có thể tham khảo cách tự sửa chữa một số lỗi cơ bản trên máy tính, trừ khi gặp vấn đề nghiêm trọng hoặc liên quan đến phần cứng mới mang đến cửa hàng. Ảnh: MacRumors.


Nguồn: Thanh Niên; Zing

Contact Me on Zalo