Để giúp trẻ lướt net an toàn
Internet mang lại rất nhiều điều bổ ích cho con trẻ nhưng cũng ẩn chứa không ít nguy cơ. Hãy học cách bảo vệ con khi chúng bước chân vào “thế giới ảo”.
Loại bỏ nội dung không phù hợp
Muốn vậy, bạn cần học cách sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin có các tiện ích để lọc các trang web không phù hợp với con mình, như “Chế độ trẻ em” của trình duyệt Edge .
Ngoài ra, nên cùng con lập danh sách các địa chỉ truy cập ưa thích (favorite list) để trẻ khỏi mất công tìm kiếm và cũng không bị lạc vào những trang web không mong muốn (bạo lực, đồi trụy, cực đoan…). Còn khi muốn kiểm tra xem con mình đã vào trang nào, bạn chỉ cần nhìn xem history.
Tuy vậy, chẳng có công cụ quản lý nào có thể thay thế việc bạn quan tâm bảo ban con mỗi ngày, để con tự nhận thức được tuổi của mình nên xem gì và không nên xem gì trên mạng. Hãy nhắc con: nếu tình cờ thấy thứ gì đó kỳ quặc, khiến con khó chịu thì phải đóng ngay cửa sổ trang đó lại và báo cho người lớn biết.
Bảo mật thông tin cá nhân
Con trẻ chưa thể lường hết hậu quả của việc để lộ thông tin cá nhân với người khác trên mạng, trong khi ở độ tuổi này trẻ lại hay cả tin, tò mò muốn khám phá những chuyện lạ và muốn làm quen để sẻ chia, tâm sự. Chính vì thế mà chúng rất dễ trở thành mục tiêu của kẻ xấu.
Bạn hãy giải thích với con rằng việc giữ kín mật mã (password), các thông tin quan trọng giống như việc khóa cửa nhà hàng đêm trước khi đi ngủ để tránh bị trộm vậy. Và bạn có thể hướng dẫn cho con cách dùng những username không dễ nhận dạng, các password khó đoán (nên bao gồm cả số và chữ cái, chữ in hoa…)
Không phải là hù dọa con, nhưng bạn cũng nói cho con rõ những nguy cơ trong khi giao lưu với người lạ trên mạng, kể cho con nghe những thực tế đáng tiếc đã xảy ra với nhiều bạn nhỏ từ việc kết bạn trên mạng. Không thiếu gì những vụ gạ gẫm đang diễn ra trên net để lợi dụng về tiền bạc, về sex và bạn đừng nghĩ chuyện đó không thể xảy ra cho con cái mình.
Hãy cùng ngồi xuống để trao đổi với con, dù nó mới 8 tuổi hay đã 18 tuổi. Hãy nói với chúng rằng bố mẹ rất thương con, và chúng ta hãy cùng học cách bảo vệ nhau. Đừng quên dặn con nếu có điều gì xảy ra, khiến con lúng túng thì không phải lỗi của con và đừng lấy đó làm phiền. Điều tối quan trọng là phải báo cho cha mẹ biết để can thiệp ngay.
Trẻ cũng chưa ý thức được hậu quả của những lời đã phát biểu trên mạng (vì không thấy rõ phản ứng của bạn ảo). Cho nên tốt nhất cha mẹ khuyên con chỉ nên giao tiếp (chat, gửi email) với bạn bè quen biết và hết sức thận trọng với những tin nhắn của người lạ.
Online có chừng mực
Khi bận bịu, không muốn con trẻ quấy rầy, nhiều vị phụ huynh đã “khoán trắng” cho con mình cho iPad, smartphone, máy tính mà không biết rằng kiểm soát trẻ sử dụng các thiết bị di động cũng quan trọng chẳng kém gì canh chừng chúng chơi trên bờ biển.
Bạn nên quy định thời gian trẻ được phép online mỗi ngày (30 phút chẳng hạn) và tốt nhất chỉ nên cho con online khi bố mẹ có mặt ở nhà. Máy tính nên đặt ở phòng sinh hoạt chung để dễ bề theo dõi.
Nếu con cần lên mạng để tìm thông tin cho bài tập hoặc tra từ điển trên máy tính thì yêu cầu con không bật chế độ chat để đỡ bị phân tán.
Thỉnh thoảng bạn cũng nên cùng con chơi game, lướt net, đọc báo trên mạng và khéo léo thăm dò xem con thích làm gì trên mạng. Bạn cũng nên học lỏm những thuật ngữ, tiếng lóng bọn trẻ hay dùng khi chat trực tuyến, qua đó hiểu con, biết những gì đang diễn ra với con.
Nói chung, không chỉ quản lý giờ giấc online mà bạn cần giám sát chặt chẽ những cuộc phiêu lưu trên mạng của con. Muốn vậy điều tiên quyết là bạn phải có hiểu biết nhất định về internet và thường xuyên trao đổi, chia sẻ cùng con về vấn đề này.
Bảo vệ dữ liệu
Nên đặt một khu vực an toàn trên máy để chứa các dữ liệu mà bạn không muốn con vô tình xóa đi trong khi loay hoay với máy tính. Hãy dùng các chương trình diệt virus hoặc các pop-up blocker để trẻ bớt click vào các hình ảnh nhấp nháy đầy dụ dỗ hay tình cờ tải về một mớ virus hay chương trình gián điệp (spyware).
Đề ra các quy tắc
Chắc chắn trẻ sẽ nhăn mặt khi bạn đưa ra một danh sách những thứ mà chúng không được làm. Bạn cần phân tích cho con hiểu tại sao những nguyên tắc đó lại quan trọng và mục đích của bạn không gì hơn là muốn con được an toàn.
Hãy viết những nguyên tắc sau ra giấy và dán gần máy vi tính:
- Không tiết lộ thông tin cá nhân (tên thật, tuổi, chỗ ở…)
- Không cho mật mã (password)
- Không tải game hoặc các chương trình khác trên mạng (dù miễn phí) khi không có ý kiến của cha mẹ.
- Không click vào email của người lạ.
- Không click vào các cửa sổ nhấp nháy dù nó có vẻ như là một game miễn phí.
- Cư xử lịch sự và suy nghĩ cẩn trọng trước khi gõ bàn phím.
- Không chat với người không quen biết.
(Theo Gia Đình Trẻ, Zing)
Tin, bài liên quan:
5 bí quyết giúp phụ huynh đồng hành cùng con trên mạng
Sáu mẹo giúp teen an toàn hơn khi sử dụng internet
Cùng con vào thời đại số: Kế hoạch số cho gia đình